Giới thiệu họ tộc Nguyễn Tăng

Giới thiệu họ tộc Nguyễn Tăng

Ông Thỉ tổ của Tộc là Nguyễn Tăng Khôi.

Ông sinh năm nào?  Gia Phả của Tộc những đời trước chỉ ghi ngày mất theo Âm Lịch để con cháu sau này nhớ ngày cúng giỗ chứ không ghi năm mất hay năm sinh, nên ngày nay, con cháu muốn biết đến niên đại của Tổ Tiên chỉ có thể phỏng đoán một cách đại khái như thế này: Nếu lấy năm 2000 là năm sinh trung bình của các con cháu đời thứ 14 của Tộc, và mỗi đời cách nhau trung bình khoảng 25 năm, thì ông Thỉ tổ của Tộc có lẽ sinh vào khoảng năm 1675.

Thời điểm này phù hợp với thời điểm khai phá sáng lập làng Phú Bông. Làng Phú Bông được khai phá sáng lập khoảng cuối thế kỷ 17, nên có thể nói ông Thỉ tổ của Tộc thuộc vào đợt những người Việt đầu tiên đến khai phá, định cư tại Phú Bông.

Câu hỏi thứ 2: Ông từ đâu đến? Gia Phả của Tộc cũng không ghi rõ, nên con cháu ngày sau đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để đoán định việc này. Có người nói ông từ bên Tàu sang, có người nói ông từ miền Bắc vào.

Theo thuyết thứ nhất, khi xưa, có bốn anh em họ Nguyễn Tăng từ bên Tàu sang nước ta đến ở đầu tiên tại làng Minh Hương, Hội An; sau đó, bốn anh em phân tán đến định cư ở bốn địa phương khác nhau là: Kim Bồng, Quảng Ngãi, Huế và Phú Bông, sinh hạ con cháu đến bây giờ. Tất cả con cháu họ Nguyễn Tăng tại các địa phương đó đều có liên hệ bà con với nhau. Thuyết này không đáng tin cậy vì nhiều lý do. Một là, họ Nguyễn là họ hiếm thấy bên Tàu, họ Nguyễn Tăng lại càng hiếm thấy hơn nữa, có thể nói họ Nguyễn Tăng không có ở bên Tàu. Hai là, tại bốn địa phương nói trên, hiện nay, hoặc không có họ Nguyễn Tăng, hoặc có họ Nguyễn Tăng nhưng các họ này không có liên hệ huyết thống với nhau. Thật vậy, ở địa phương thứ nhất, Kim Bồng, không có tộc Nguyễn Tăng nào cả. Ở địa phương thứ 2, Quảng Ngãi, hiện nay ở làng Phổ Trang, quận Đức Phổ có gia đình ông Nguyễn Tăng Nê, sinh hạ các ông Nguyễn Tăng Đê và Nguyễn Tăng Phòng. Ông Nguyễn Tăng Phòng sinh hạ ông Nguyễn Tăng Đầy vào năm 1935. Theo lời ông Nguyễn Tăng Đầy, vào khoảng tháng 11 năm 1972, ông Nguyễn Tăng Phòng có đến thăm gia đình ông Nguyễn Tăng Hẹ ( tục danh ông Thiệu) của tộc Ta ( phái 3, đời 10 (19)) ở Đồng Cát, Mộ Đức, Quảng Ngãi, và hai ông có truy tìm thử hai họ Nguyễn Tăng ở Quảng Ngãi và Phú Bông có liên hệ với nhau hay không. Kết quả: hai họ Nguyễn Tăng này hoàn toàn không có bà con với nhau. Còn ở địa phương thứ ba, Huế, hiện nay ở làng Phú Lễ dưới chân cầu Gia Hội có một dòng họ Nguyễn Tăng nữa. Trước đây, ông Nguyễn Tăng Thể ( tục danh ông Thủ Thái của Tộc ta ( phái 4, đời 9 (24)) có đem Gia Phả của Tộc ra đối chiếu với Gia Phả của tộc Nguyễn Tăng đó và thấy không có bà con gì cả. Ngoài ra, tại Quảng Trị trên quốc lộ 1 khoảng giáp giới tỉnh Thừa Thiên cũng có một tộc Nguyễn Tăng nữa nhưng không biết có bà con gì với tộc Nguyễn Tăng ở Phú Bông không vì chưa có ai đem Gia Phả ra đối chiếu. Theo lời vài vị cao niên trong Tộc, tuy không biết có bà con với nhau hay không, nhưng năm 1945, tộc Nguyễn Tăng ở Quảng Trị có phái người vào thăm tộc Nguyễn Tăng ở Phú Bông và dự dự lễ Tế Xuân của Tộc vào ngày 19 tháng 2 Âm Lịch.

Còn thuyết thứ hai nói rằng, ông Thỉ Tổ của Tộc từ miền Bắc theo chúa Nguyễn vào khai phá sáng lập miền Nam. Thuyết nay tuy không nói ông Thỉ Tổ của Tộc quê quán ở nơi nào nhưng hoàn toàn phù hợp với lịch sử phát triển của đất nước ta vì hầu như tất cả người Việt ở các vùng Thuận Quảng đều từ miền Bắc đến. Xứ Quảng Nam từ thế kỷ 14 về trước là đất Chiêm Thành. Đầu thế kỷ 15, năm 1402, quân nhà Hồ ( Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương) vào đánh Chiêm Thành; vua Chiêm thua, phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy nhường cho nước ta để cầu hòa. Chiêm Động và Cổ Lũy là một phần tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Sau khi vua Chiêm nhường đất cho ta, người dân Chiêm Thành ở hai vùng đó bỏ hết nhà cửa dọn đi nơi khác. Đất ấy trở thành đất hoang nên nhà Hồ bắt dân những nơi khác có của mà không có ruộng phải đem gia đình đến hau vùng này để khai khẩn và sinh sống. Tuy có chính sách bắt dân đến khai khẩn những vùng đất mới, nhưng nhà Hồ không tồn tại lâu dài nên chính sách khẩn hoang không thể thực hiện, và hai vùng Chiêm Động, Cổ Lũy suốt thế kỷ 15 vẫn còn là đất bỏ hoang của Chiêm Thành. Người Chiêm Thành bị bắt buộc phải nhường đất cho ta nên hễ có dịp là đem quân qua đánh để giành lại, và thực tế, chỉ vài ba năm sau, họ đã giành lại được. Khi nhà Minh đem quân qua đánh nhà Hồ (1406) cho đến khi chiếm được nước ta (1413), nhà Minh chỉ cai quản tới Thuận Hóa, phía nam Thuận Hóa ( tức Xứ Quảng) vẫn còn là đất Chiêm Thành. Sau 10 năm kháng chiến chống quân Minh thắng lợi (1418-1427), Lê Thái Tổ cũng như hai vua kế tiếp là Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông không đủ điều kiện để đòi lại đất cũ, phải đợi đến Lê Thánh Tông mới làm được việc này. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành lấy lại được đất Chiêm Động và Cổ Lũy, đặt các quan cai quản vùng này.

Vậy đến cuối thế kỷ 15, đất Quảng Nam mới thực sự thuộc về lãnh thổ nước ta. Tuy thuộc về nước ta nhưng vùng này vẫn là đất hoang, phải đợi một thế kỷ sau, khi Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hóa (1558) và kiêm trấn phủ Quảng Nam (1570), chúa Nguyễn mới có kế hoạch khai khẩn vùng đất này nhằm tính kế lâu dài đương đầu với chúa Trịnh ngoài Bắc. Các đời chúa Nguyễn nối tiếp nhau áp dụng chính sách khẩn hoang lập làng, nhằm đưa dân đến những vùng đất hoang để cày cấy lập ra làng ấp mới. Chính sách khẩn hoang lập làng nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt hai vùng Chiêm Động, Cổ Lũy, và từ cuối thế kỷ 16, đất Quảng Nam càng ngày càng phát triển.

Ai là người đã góp công sức vào việc khẩn hoang lập làng tại vùng đất Thuận Quảng? Đó là những nông dân, binh lính đi theo chúa Nguyễn vào Nam, và những tù binh bị bắt trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Sử chép, khi Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hóa, những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở đất Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con đi theo, và trong 45 năm (1627-1672), hai họ Trịnh-Nguyễn đánh nhau 7 lần, lần nào cũng có tù binh bị bắt, đặc biệt trong lần đánh nhau thứ 4 (1648), họ Nguyễn bắt được 3.000 tù binh họ Trịnh. Tất cả những nông dân, binh lính và tù bình này đều được chúa Nguyễn đưa đi khẩn hoang lập làng ở hai vùng Thuận Quảng.

Trong đoàn người đi khai phá đất hoang xứ Quảng Nam thế kỷ 17 ấy, có ông bà Thỉ Tổ Tộc chúng ta. Ông Thỉ Tổ của Tộc Nguyễn Tăng Khôi đến khẩn hoang và định cư tại làng Trường Lộc, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỷ 17. Trước thời vua Tự Đức, làng này có tên là làng Phước Lộc, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Làng Trường Lộc là một phần của làng Phú Bông. Phú Bông có tất cả 5 làng: Ngọc Sa, Đông Giáp, Trường Lộc, Đông Phước và Phú Khương, vì vậy tên chữ làng Phú Bông là Ngũ Thôn, trong đó làng Ngọc Sa rộng nhất và làng Phú Khương hẹp nhất. Điểm đặc biệt của Phú Bông là 5 làng làm nhà ở lẫn lộn với nhau, không phân biệt địa bàn của làng nào cả và không gọi là ngụ cư mặc dù mình làm nhà ở qua đất làng khác. Đó là cách phân chia về hành chánh, còn đất đai Phú Bông lại chia làm 12 xứ đất ( có tên là xứ Đồng Gành, xứ Trà Dung, xứ Hoa Sứ…). Tất cả các làng và xứ đất ấy đều nằm trong vùng Gò Nổi. Gò Nổi (tên chữ Hán là Phù Kỳ), đúng như tên gọi, là gò đất nổi giữa sông Thu Bồn, nằm về phía Nam huyện Điện Bàn, tiếp giáo với huyện Duy Xuyên. Sông Thu Bồn từ nguồn đổ về đến làng Giao Thủy rẻ làm 2 nhánh: một dòng chảy về Kỳ Lam, Đông Bàn, Phương Trà, một dòng chảy về Chiêm Sơn, Hà Mật, Đông Yên, Kẻ Thá, tạo ra mảnh đất hình cái thoi, bắt đầu từ làng La Kham đến chót dải đất là làng Hà Mật; chiều dài từ đông sang tây khoảng 11 km, chiều rộng từ bắc xuống nam trung bình khoảng 2 km.

Đất đai của Gò Nổi đã tương đối nhỏ mà hàng năm còn bị tình trạng lụt lội lở dần do sông phía bắc gây ra, nên ông Nguyễn Tăng Huyễn (tục danh ông Cai Hòe, đời thứ 8 của Tộc) lúc sinh tiền thường than rằng: Mười hai xứ đất lở dần, Chỉ còn nửa xứ Đồng Gành mà thôi! Đất đai tuy nhỏ nhưng mảnh đất này có truyền thống văn học, là sinh quán của một số nhân vật nổi tiếng trước đây như Hoàng Diệu (người làng Xuân Đài), Phạm Phú Thứ (người làng Đông Bàn), Phan Khôi (người làng Bảo An), và trong Ngũ Phụ Tề Phi (chỉ 5 học trò Quảng Nam ra Huế thi và cùng đỗ Tiến sĩ, Phó bảng kỳ thi Hội năm Mậu Tuất, 1898), có 3 người quê quán tại Gò Nổi: đó là ông Phạm Liệu (người làng Trường Giang), Phạm Tuấn (người làng Xuân Đài), và Dương Hiển Tiến (người làng Cẩm Lậu).

Thời Ngô Đình Diệm (1956), các làng Gò Nổi nhập trung lại và chia làm 5 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thọ, Phú Phong và Phú Lộc. Xã Phú Mỹ gồm các làng La Kham, Tư Phú, Vân Ly; xã Phú Tân gồm Bảo An, Xuân Đài, Bàn Lãnh; xã Phú Thọ gồm Đông Bàn, Trường Giang; xã Phú Phong gồm các làng Phú Bông, Cẩm Lậu; và xã Phú Lộc gồm Hà Mật, Thi Lai.

Nhà thờ tộc Nguyễn Tăng lúc ấy nằm ở Thôn Tư, xã Phú Phong, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau 1975, xã Phú Phong đổi thành xã Điện Phong, quận Điện Bàn đổi thành huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đổi thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, và đến năm 1997 lại đổi lại tên cũ là tỉnh Quảng Nam.

Gò Nổi chung quanh bao bọc bởi hai nhánh sông Thu Bồn, nên trước năm 1970, khi chưa có cầu sắt bắc qua Gò Nổi, muốn đến Phú Bông từ mọi ngả đều phải qua đò. Từ Quốc lộ 1 đến Phú Bông phải qua đò ở bến đò Điện Bình (còn gọi là đò Phương Trà), bến đò này cách Vĩnh Điện khoảng 2 km về phía Nam. Từ Duy Xuyên qua Phú Bông cũng phải qua đò ở bến đò Gặp. Đó là đường bộ, chứ trước năm 1954, đường sá chưa được mở mang nhiều, xe cộ còn ít, mạch giao thông chủ yếu nối liền Phú Bông với Hội An chính là đường thủy, tức là dòng sông Thu Bồn. Từ Phú Bông buổi sáng sớm đáp ghe ở bến đò Đèo, ghe theo gió nam chạy đến trưa thì đến Hội An; và buổi chiều khoảng 2 giờ đáp ghe ở bến ghe Hội An, ghe theo gió nồm chạy đến khoảng 5 giờ chiều thì đến Phú Bông. Đó là gặp những ngày đẹp trời thuận gió, chứ gặp những ngày trời xấu gió ngược, thì phải chèo chống rất khó khăn và thời gian di chuyển còn lâu hơn nữa. Khoảng cách giữa Hội An và Phú Bông chỉ độ 12 km mà phải đi mất 3-4 giờ mới đến nơi, nên nhiều ông bà trong Tộc trước đây suốt đời chẳng muốn đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở lại trong làng.

Về kinh tế, người dân Gò Nổi chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và nghề dệt. Dọc theo triền sông có nhiều vùng đất cát thích hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm. Dân làng Phú Bông, trong đó có ông bà của Tộc, từ khi mới lập làng, vẫn chuyên nghề ươm tơ dệt lụa. Tơ lụa của làng cũng như tơ lụa nói chung của Quảng Nam từ thế kỷ 18 đã được cả nước ưa chuộng. Tuy có nghề chuyên môn, nhưng số hàng tơ lụa tiêu thụ trong nước không nhiều, còn nghề nông mỗi năm đều phải đương đầu với thiên tai lụt lội, nên cuộc sống của dân làng thế kỷ 18, 19 vẫn rất nghèo, đa số đều ở nhà tranh vách đất.

Chỉ vào nửa đầu thế kỷ 20, thời Khải Định, Bảo Đại, sự giao thương giữa 3 nước Đông Dương mở rộng, hàng tơ lụa Phú Bông, Hà Mật, Thi Lai… ồ ạt chở vào bán ở thủ đô Nam Vang cho các thị trường tiêu thụ Miên, Lào… thì cuộc sống dân làng mới bắt đầu khởi sắc. Đây là thời cực thịnh của Phú Bông, cả làng thời ấy đâu đâu cũng vang tiếng máy dệt, và rất nhiều dân làng đã dành dụm được tiền để xây nhà ngói. Nhưng thời cực thịnh của Phú Bông chỉ kéo dài khoảng 30 năm đến năm 1945 thì hết, chiến tranh bắt đầu lan rộng, dân làng tản cư đến Hội An, Đà Nẵng, Sài Gòn…

Năm 1954, sau ngày đình chiến, bà con lần lượt trở về làng sinh sống. Thời đình chiến kéo dài không lâu, đến năm 1965 chiến tranh lại trở nên ác liệt. Gò Nổi trong khoảng thời gian 3 năm, từ năm 1965 đến năm 1968, chịu rất nhiều bom đạn. Tất cả nhà cửa, vườn tược, đình miếu, đường sá, mồ mả ông bà… xây dựng gần 3 thế kỷ qua đều bị bom đạn cày xới lên hết. Dân làng tất cả đều chạy vào Nam, đến nương náu ở những vùng ngoại ô Sài Gòn: Ngã Tư Bảy Hiền, Phú Lâm, Bà Quẹo… và ở những nơi này, dân làng tiếp tục mưu sinh bằng nghề bằng nghề cũ của làng mình: nghề dệt.

Sau ngày hòa bình lập lại (1975), con cháu Tộc lần lượt trở về làng , nhưng không nhận ra làng xưa xóm cũ, tất cả đã biến thành bình địa. Mảnh đất Phú Bông thân thương bây giờ trở thành đất hoang xa lạ. Con cháu của Tộc noi gương Tổ tiên 3 thế kỷ trước đem sức mình khai khẩn lại mảnh đất này để lập thành làng ấp mới. Ngày nay, con cháu Tộc còn ở tại Phú Bông không nhiều, đa số từ khoảng năm 1960 đã vào sinh sống tại Ngã Tư Bảy Hiền, Sài Gòn. Vì vậy, tại Ngã Tư Bảy Hiền, năm 1990, con cháu của Tộc đã đóng góp công của xây dựng nhà thờ Tộc tại đường Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình. Ngoài Ngã Tư Bảy Hiền, con cháu Tộc hiện nay còn ở rải rác khắp mọi miền đất nước, và đặc biệt qua các biến động lịch sử vừa qua, một số con cháu của Tộc cũng ra định cư ở nước ngoài như Australia, Pháp, Mỹ, Đức, Canada… theo nhiều diện khác nhau: du học, di tản, vượt biên, HO, xuất khẩu lao động, đoàn tụ gia đình…

One Comment

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *